Đó là nội dung hội thảo do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Osaka (Nhật Bản). Theo đó, để thực hiện mục tiêu đưa phát thải carbon về 0, ngành môi trường cần sử dụng tốt các nguồn năng lượng tái chế, tái tạo để cắt giảm triệt để việc phát thải carbon.
CẤP BÁCH GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp (phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế).
Bởi theo nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, vấn đề phát thải khí nhà kính ngày càng tăng mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, sức khỏe người dân. Cụ thể, tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của TP. Hồ Chí Minh là trên 58 triệu tấn CO2. Trong đó, hoạt động công nghiệp phát thải hơn 17,6 triệu tấn CO2. Những ngành có lượng phát thải cao là hóa học (chiếm 63%), dệt may (16,1%), sản xuất kim loại (14,7%)... Các hoạt động giao thông đường bộ phát thải hơn 13,4 triệu tấn CO2, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất - chiếm gần 63%.
Báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản cũng cho thấy, mức tiêu thụ điện đến năm 2030 của TP. Hồ Chí Minh ước khoảng 14 tỷ kWh, tương đương mức phát thải gần 12 triệu tấn CO2. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, đã và đang tác động đến nhiều mặt đời sống, phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy nhận định, nước ta đang đứng trước những thách thức về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã cam kết, Việt Nam nỗ lực và có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính vì vậy, trong kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030, TP. Hồ Chí Minh đề ra 56 chương trình, dự án để tập trung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các sở, ban, ngành đã tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn cho những dự án có khả năng đóng góp nhiều cho việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điển hình, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án metro số 1, 2; các dự án giải quyết ngập do triều cường… Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ. Thành phố sẽ thực hiện 2 chương trình, dự án để xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, thực hiện 3 chương trình, dự án để áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu có tiềm năng và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Xe cá nhân đông đúc đang là nguồn phát thải khí carbon lớn tại TP. Hồ Chí Minh
CHỦ ĐỘNG KÊU GỌI HỖ TRỢ, ĐẦU TƯ
Song song với việc lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và thành phố, TP. Hồ Chí Minh cũng tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư. Đồng thời, chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu cho các khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Sở đang thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố về hợp tác với TP. Osaka (Nhật Bản) trong khuôn khổ bản ghi nhớ chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp giai đoạn 2021 - 2025, do 2 thành phố ký kết năm 2021. Cụ thể, triển khai các công tác thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động sản xuất. Từ đó, nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và ứng dụng cụ thể hóa cơ chế tín chỉ chung (JCM) cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Atsushi Okamoto, Trưởng phòng Chính sách môi trường (Cục Môi trường TP. Osaka) đánh giá, việc giảm phát thải carbon về 0 là không hề đơn giản. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải sử dụng tốt các nguồn năng lượng tái chế, tái tạo để cắt giảm triệt để việc phát thải carbon. Dùng công nghệ mới nhất để xây dựng đô thị dựa trên công nghệ giảm phát thải carbon, đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan, các quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cần lắng nghe và ứng dụng tốt để có thể tận dụng những lợi ích từ cơ chế tín chỉ chung JCM; phát huy hiệu quả hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân thông qua những dự án giảm phát thải carbon.
Được biết, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn; triển khai hệ thống giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành; kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định… Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.
(Nguồn: daibieunhandan.vn)