Báo cáo kiểm kê khí nhà kính là gì? Báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là gì?
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa phân biệt được giữa báo cáo kiểm kê khí nhà kính và báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dẫn đến lầm tưởng rằng 2 loại báo cáo này là một. Nhưng thật ra, hai loại báo cáo này hoàn toàn khác nhau, để biết chúng khác nhau như nào, dưới đây Môi trường Ánh Dương sẽ giải thích cho bạn.
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính là gì?
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, “Kiểm kê khí nhà kính (KNK) là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính là một tài liệu được lập để ghi nhận, thống kê và đánh giá lượng khí nhà kính (GHG) phát thải từ các hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp, khu vực hoặc quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.
Báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là gì?
Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động nhằm giảm nhẹ mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính, tăng cường hấp thụ khí nhà kính.
Báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là một tài liệu được lập để trình bày các biện pháp, kế hoạch và kết quả thực hiện nhằm giảm lượng khí nhà kính (GHG) phát thải từ các hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp, khu vực hoặc quốc gia.
Báo cáo này tập trung vào việc phân tích các nguồn phát thải khí nhà kính (như CO₂, CH₄, N₂O...), đánh giá hiệu quả của các giải pháp giảm phát thải đã triển khai (ví dụ: sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng...) và đề xuất các chiến lược tiếp theo để đạt được mục tiêu giảm thiểu.
Các đối tượng cần thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Đối tượng cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Theo khoản 1 Điều 6, Nghị định 06/2022NĐ-CP quy định về các đối tượng cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính cụ thể như sau:
“1. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là
cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
b) Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
c) Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
d) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.”
Lĩnh vực cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính, bao gồm:
- Xây dựng: tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất xây dựng;
- Các quá trình công nghiệp: luyện kim; sản xuất hóa chất; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ôzôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác;
- Năng lượng: khai thác than, dầu, khí tự nhiên; công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, dịch vụ, thương mại và dân dụng;
- Chất thải: xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; bãi chôn lấp chất thải rắn; thiêu đốt và lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải;
- Giao thông vận tải: tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải;
- Nông nghiệp, lâm nghiệp: sử dụng đất chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp
Đối tượng cần thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Theo Điều 5, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, quy định về các đối tượng cần thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như sau:
“1. Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm
nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp là các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.
3. Các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được khuyến khích thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện, hoạt động của mình.”
Thời điểm thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính và báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“...
a) Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này xây dựng báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hằng năm của năm trước kỳ báo cáo theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2027;
…”
Theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“...
4. Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này định kỳ hai năm một lần có trách nhiệm:
a) Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà
kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023;
b) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
c) Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.
…”
Phạm vi kiểm kê khí nhà kính
Hiện nay, hai tiêu chuẩn phổ biến nhất được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính là GHG Protocol và ISO 14064. Ở GHG Protocol, phát thải khí nhà kính được chia làm ba phạm vi:
Phạm vi 1
Là phát thải trực tiếp từ các nguồn do công ty sở hữu hoặc kiểm soát, tương tự như loại 1 theo tiêu chuẩn ISO 14064.
Ví dụ: Khí thải Phạm vi 1 là khí thải trực tiếp từ các hoạt động do công ty sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm nhiên liệu được đốt trong xe cộ hoặc lò/nồi hơi, khí thải do rò rỉ chất làm lạnh hoặc thông hơi từ thiết bị xử lý hoặc khí thải quá trình từ các phản ứng hóa học.
Phạm vi 2
Là phát thải gián tiếp từ điện, hơi nước, nhiệt và làm mát được mua, tương tự như loại 2 theo tiêu chuẩn ISO 14064.
Ví dụ: Một nhà máy sản xuất tại Bình Dương sử dụng điện lưới quốc gia để vận hành máy móc và hệ thống chiếu sáng. Điện này được tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện than, khí tự nhiên hoặc các nguồn năng lượng khác có phát thải CO₂.
Lượng phát thải khí nhà kính phạm vi 2 của nhà máy này chính là khí CO₂e gián tiếp sinh ra từ quá trình sản xuất điện năng mà họ tiêu thụ.
Phạm vi 3
Là tất cả các phát thải gián tiếp khác liên quan đến hoạt động của công ty. Phạm vi 3 của GHG Protocol bao trùm loại 3,4,5,6 theo tiêu chuẩn ISO 14064.
Ví dụ: Một công ty may mặc xuất khẩu đặt hàng nguyên liệu vải từ một nhà cung cấp ở Trung Quốc. Quá trình sản xuất vải, vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, và phân phối sản phẩm đến khách hàng toàn cầu đều phát sinh khí nhà kính.
Phát thải Scope 3 bao gồm:
- Chuỗi cung ứng: Khí thải từ quá trình sản xuất vải của nhà cung cấp.
- Vận chuyển & logistics: Khí thải từ tàu biển, xe tải khi nhập hàng và giao sản phẩm.
- Sử dụng sản phẩm: Năng lượng tiêu thụ khi khách hàng giặt, sấy quần áo.
- Xử lý sản phẩm sau sử dụng: Khí thải từ việc đốt hoặc chôn lấp quần áo đã qua sử dụng.
Quy trình thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính
Bước 1. Xác định phạm vi và phương pháp kiểm kê:
- Xác định rõ phạm vi kiểm kê (cơ sở, tổ chức, dự án ... ).
- Lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính phù hợp (theo hướng dẫn của IPCC hoặc các quy định quốc gia).
- Xác định các loại khí nhà kính cần kiểm kê và các nguồn phát thải liên quan.
Bước 2. Lựa chọn hệ số phát thải và thu thập số liệu:
- Lựa chọn hệ số phát thải phù hợp cho từng nguồn phát thải từ các cơ sở dữ liệu uy tín hoac các quy định hiện hành.
- Thu thập dữ liệu hoạt động liên quan đến phát thải khí nhà kính (ví dụ: lượng nhiên liệu tiêu thụ, sản lượng sản phẩm chất thải ... ).
Bước 3. Tính toán phát thải khí nhà kính:
- Sử dụng các công thức tính toán phát thải dựa trên số liệu hoạt động và hệ số phát thải đã thu thập.
- Phân loại phát thải thành trực tiếp và gián tiếp.
- Tính tổng lượng phát thải khí nhà kính cho từng loại khí và cho toàn bộ phạm vi kiểm kê.
Bước 4. Kiểm soát chất lượng kiểm kê:
- Kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của dữ liệu.
- So sánh kết quả kiểm kê với các năm trước để phát hiện bất thường.
- Đánh giá độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê.
Bước 5. Báo cáo kết quả kiểm kê:
- Tổng hợp kết quả kiểm kê khí nhà kính thành báo cáo theo mẫu quy định.
- Phân tích kết quả và đưa ra khuyến nghị giảm phát thải.
- Công bố báo cáo hoặc nộp cho cơ quan quản lý (nếu có yêu cầu).
Hướng dẫn tính lượng phát thải khí nhà kính
Để tính toán lượng khí nhà kính phát thải, ta sử dụng công thức:
Lượng khí nhà kính phát thải = Hệ số phát thải x Dữ liệu hoạt động
Trong đó:
- Hệ số phát thải: Đây là một chỉ số thể hiện lượng khí nhà kính phát thải trung bình khi sử dụng một đơn vị năng lượng hoặc thực hiện một hoạt động nhất định.
Ví dụ, hệ số phát thải của điện là lượng khí thải phát sinh khi sản xuất ra 1 MWh điện.
- Dữ liệu hoạt động: Là thông tin về các hoạt động sản xuất, tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp.
Ví dụ: lượng nhiên liệu tiêu thụ, số lượng sản phẩm, quãng đường di chuyển…
Lưu ý: Để biết hệ số phát thải của từng loại khí thải và ngành nghề, các doanh nghiệp cần kiểm tra hệ số phát thải tương ứng trong danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính được ban hành theo Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT.
Ví dụ thực tế
Tính lượng phát thải khí nhà kính từ tiêu thụ điện tại một nhà máy
Một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử trong một năm tiêu thụ 1.000 MWh điện từ lưới điện quốc gia.
Thông tin tính toán:
- Dữ liệu hoạt động: 1.000 MWh điện
- Hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam: 0,799 tấn CO₂/MWh (theo Bộ TN&MT, 2022)
Áp dụng công thức:
Qua bài viết trên, hẳn bạn cũng đã phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại báo cáo kiểm kê khí nhà kính và báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và có thêm một số thông tin hữu ích giúp quá trình thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính được dễ dàng hơn. Mong rằng bạn đã có một quãng thời gian hữu ích cùng với những nội dung mà bài viết mang lại.