Giới nghiên cứu đã tìm thấy các hạt không khí ô nhiễm độc hại trong phổi, gan và não của thai nhi, rất lâu trước khi trẻ bắt đầu thở những hơi thở đầu tiên khi cất tiếng khóc chào đời.
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Lancet Planetary Health, cho biết một nhóm nhà nghiên cứu đã kiểm tra và phát hiện hàng nghìn hạt carbon đen siêu nhỏ trong các mẫu phổi, gan và mô não, cũng như trong máu ở cuống rốn và nhau thai.
Theo kết quả nghiên cứu, các hạt này do người mẹ hít vào khi mang thai, rồi truyền qua đường máu vào nhau thai đến bào thai. Nồng độ hạt cao hơn nếu người mẹ sống ở môi trường có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết khám phá này "gây sốc" và "rất đáng lo ngại", vì thai nhi là giai đoạn phát triển dễ bị tổn thương nhất. Không khí bẩn đã được biết là có tương quan chặt chẽ với tỷ lệ sẩy thai gia tăng, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân và rối loạn phát triển não bộ. Nhưng nghiên cứu mới là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy cơ chế gây tác hại.
Nghiên cứu được thực hiện trên các bà mẹ không hút thuốc ở Scotland và Bỉ, những nơi có mức độ ô nhiễm không khí tương đối thấp.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn tìm thấy hàng nghìn hạt carbon đen trong mỗi milimet khối mô não thai nhi. Các hạt này được người mẹ hít vào trong quá trình mang thai và sau đó đi qua đường máu và nhau thai đến thai nhi.
Các hạt carbon đen được tạo thành từ muội than từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch trong xe cộ, hệ thống sưới và nhà máy. Chúng có thể gây ra chứng viêm trong cơ thể, cũng như mang theo các hóa chất độc hại. Các nhà khoa học cho biết ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời.
Giáo sư Paul Fowler tại Đại học Aberdeen ở Scotland cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng minh được rằng các hạt carbon đen siêu nhỏ không chỉ đi vào nhau thai trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai mà còn tìm đường vào các cơ quan của thai nhi đang phát triển".
"Điều đáng lo ngại hơn nữa là những hạt này cũng xâm nhập vào bộ não người đang phát triển, chúng có thể tương tác trực tiếp với các hệ thống điều khiển bên trong các cơ quan và tế bào của bào thai người", Fowler nói.
Giáo sư Tim Nawrot tại Đại học Hasselt ở Bỉ, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: "Các quy định về chất lượng không khí nên tính đến con đường ô nhiễm này để bảo vệ các giai đoạn phát triển dễ tổn thương nhất của con người".
Nawrot cho biết các chính phủ có trách nhiệm cắt giảm ô nhiễm không khí nói chung, nhưng thai phụ cũng nên tránh những khu vực đông đúc khi có thể.
Các hạt ô nhiễm không khí lần đầu tiên được phát hiện trong nhau thai vào năm 2018 bởi Giáo sư Jonathan Grigg tại Đại học Queen Mary ở London và các đồng nghiệp. Ông nói: "Nghiên cứu mới rất tốt - họ đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng các hạt sau đó sẽ đi vào bào thai".
"Các hạt đi vào não của thai nhi làm vấn đề nghiêm trọng hơn, bởi vì điều này có thể gây ra hậu quả suốt đời cho đứa trẻ. Chúng ta chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra khi các hạt bám vào các vị trí khác nhau và từ từ thải ra các chất hóa học bên trong chúng, do đó cần phải nghiên cứu thêm", Grigg nói thêm.
Một đánh giá trên phạm vi toàn cầu vào năm 2019 đã kết luận rằng ô nhiễm không khí có thể gây hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người. Các hạt nhỏ li ti cũng đã được phát hiện vượt qua hàng rào máu não và hàng tỷ hạt đã được tìm thấy trong trái tim người. Hơn 90% dân số thế giới sống ở những nơi ô nhiễm không khí vượt quá hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health đã tìm thấy các hạt ô nhiễm không khí trong mọi mẫu phổi, gan và mô não thai nhi được kiểm tra, cũng như trong máu cuống rốn và nhau thai. Nồng độ các hạt cao hơn khi người mẹ sống với mức độ ô nhiễm không khí cao.
Nguồn: Báo Môi trường và đô thị