Theo Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phát triển bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đường độc đạo để oanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về các cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi thực thi các mục tiêu phát triển bền vững.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua?
Ông Vũ Tiến Lộc: Phát triển bền vững là vấn đề sống còn của mọi nền kinh tế. Đầu tư cho phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, không chỉ là đạo đức, nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nhân mà chính là cơ hội mới cho họ.
Trong bối cảnh hiện nay, các hiệp định thương mại toàn cầu, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa các nền kinh tế phát triển (tức là các thị trường lớn nhất của chúng ta) đều đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Và phát triển bền vững cũng là cách để chúng ta tạo ra thương hiệu, tiếp cận được khách hàng, thị trường và bằng cách đó sẽ tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Vì thế, phát triển bền vững không chỉ là nghĩa vụ có tính chất xã hội mà chính là khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp. Hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng này, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là COVID-19 thời gian qua cho thấy những doanh nghiệp thực hành sản xuất bền vững thường có tổn thất thấp hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện chiến lược này.
Ảnh minh họa
PV: Vậy đâu là thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thực hiện mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện trách nhiệm xã hội đều đòi hỏi một khoản đầu tư khá lớn. Điều này sẽ gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nhưng phát triển bền vững không phải là một sự lựa chọn nữa mà là con đường độc đạo cho phát triển.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, có biện pháp khuyến khích, ràng buộc doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ cũng như xây dựng mô hình kinh doanh để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Các nhà đầu tư hiện nay họ cũng sẽ lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư theo hướng phát triển bền vững và những nguồn lực hỗ trợ về công nghệ, mô hình kinh doanh cũng đang hướng đến các doanh nghiệp có mong muốn đi theo con đường phát triển bền vững.
Vì thế, bên cạnh những thách thức cũng có những cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp đi theo con đường này và các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để có thể tiếp cận nguồn lực này.
Nguồn: VOVgiaothong.vn